Bạn đang ở đây

Kinh tế có nhiều điểm sáng

07/04/2017 07:38:33

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Sau khi nghe báo cáo, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và Quý I/2017, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%). Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục đó là tăng trưởng GDP quý I chỉ mới đạt 5,1%, mức thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng thấp so với cùng kỳ 6 năm qua. Khai khoáng giảm, chế biến chế tạo giảm. Xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tương đương 32% GDP.

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực. Cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như Nghị quyết của Quốc hội. Phải duy trì được tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô, giải quyết việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu  các Bộ, ngành, địa phương phải có phản ứng chính sách linh hoạt, nhạy bén, theo dõi sát tình hình để có giải pháp chủ động, kịp thời, cụ thể hơn. Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực của nền kinh tế; có những giải pháp cụ thể, căn cơ trong từng ngành hàng, lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất.

Trong kỳ họp lần này, Chính phủ cũng đã tập trung cho công tác xây dựng thể chế với quan điểm không để nợ đọng văn bản pháp luật. Trong đó có dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn chuyển đổi Văn phòng Công chứng...

Tại cuộc họp báo, đại diện các Bộ cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình hình thoái vốn của Sabeco; nhập khẩu ô tô; bổ nhiệm cán bộ tại Sở Xây dựng Thanh Hóa; hoạt động, đền bù của Formosa, dự án nuôi bò ở Phú Yên, cổng thông tin giữa Chính phủ với người dân....

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Chính phủ mở kênh giao tiếp với người dân

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo về việc Chính phủ thiết lập kênh giao tiếp với người dân thông qua website nguoidan.chinhphu.vn. Theo đó, người dân có thể dùng hệ thống máy tính, điện thoại di động có kết nối internet để trực tiếp phản ánh, kiến nghị về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp, trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; hay các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, VPCP sẽ phân loại chuyển cho các Bộ, ngành để trả lời cho người dân. VPCP sẽ hướng dẫn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải 

Không để thất thoát vốn khi cổ phần hóa

Liên quan đến thông tin về việc tìm nhà tư vấn thoái vốn của Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp với tất cả các bộ ngành có liên quan thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2016, đã đưa Sabeco lên sàn chứng khoán.Vấn đề hiện nay là chúng ta thực hiện bán như thế nào.

Theo Thứ trưởng, trước hết là phải theo đúng các quy định hiện hành về các luật liên quan, đặc biệt là về chứng khoán. Đồng thời thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tức là mọi công việc, bất kể lớn hay nhỏ, bán ít hay nhiều thì phải công khai, minh bạch. Và quan trọng hơn là không làm thất thoát, làm mất tiền vốn của Nhà nước.

Khi đã lên sàn thì có giá rất rõ rồi nhưng nhiều khi đây là giá kỳ vọng, để có thể trở thành giá thực và mua bán thực thì doanh nghiệp hiện nay cũng đã có đề xuất với cơ quan chủ quản. Bộ Công Thương cũng đã tham khảo các Bộ, ngành như là Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan sẽ trình các cấp có thẩm quyền để thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hài hòa lợi ích giữa sản xuất với nhập khẩu và tiêu dùng ô tô

Trước câu hỏi, thời gian gần đây lượng xe nhập khẩu tăng rất mạnh, nhất là trong bối cảnh chỉ còn khoảng 10 tháng nữa sẽ đến lộ trình giảm thuế một số dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống 0% thì nhu cầu của người dân đối với ô tô tăng rất mạnh. Những biện pháp để vừa có thể bảo đảm sản xuất ô tô trong nước, và bảo đảm được lộ trình hội nhập.Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, năm 2016 thuế nhập khẩu ô tô đã giảm từ 40% xuống 30%. Theo lộ trình về thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN thì đến ngày 1/1/2018 thuế sẽ trở về 0. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính hết ngày 15/3/2017, tức là trong quý I/2017, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2016. Con số này nói lên rất nhiều điều. Về phía người tiêu dùng thì khi giá thành rẻ, người tiêu dùng chắc chắn sẽ rất vui mừng. Nhưng ngược lại, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở trong nước chắc chắn cũng sẽ có những mối lo. Và để giải quyết được hài hòa giữa những lợi ích này thì Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương, cùng với các bộ, cơ quan liên quan như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN và một số chuyên gia trong ngành thành lập tổ công tác liên bộ ngành có đại diện của các đơn vị liên quan gặp gỡ các DN đang sản xuất, kinh doanh trong ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô tìm hiểu hiện trạng, đưa ra những giải pháp nhằm duy trì và phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng. Những giải pháp đều phải được nghiên cứu rất kỹ bảo đảm phù hợp với quy định của WTO và tất cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết và đặc biệt là những hiệp định có hiệu lực để không có vi phạm.

"Chúng tôi hiện nay đang thực hiện rất khẩn trương và trước ngày 1/5/2017 sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất những biện pháp phù hợp nhất, nhằm đạt được cả hai mục đích như tôi đã đề cập" – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham gia trả lời phóng viên báo chí

Không để tái diễn lấn chiếm vỉa hè.

Đánh giá về việc ra quân giành lại vỉa hè ở nhiều thành phố trên cả nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc quản lý hè đường là trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó có chính quyền tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Chủ trương này không phải bây giờ mới làm. Chúng ta đã làm nhiều năm nhưng khi giải tỏa vỉa hè xong thì lại tái lấn chiếm.

Sau gần hai tháng thực hiện đã mang lại những kết quả tốt được người dân đồng tình ủng hộ và đã có chuyển biến về mặt nhận thức. Các băng rôn, áp phích quảng cáo, việc xây dựng cơi nới vỉa hè, lòng đường, bán hàng rong, hàng ăn, hàng nước dưới lòng lề đường được đưa về đúng vị trí, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, trả lại lòng đường để lưu thông.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng việc dọn dẹp vỉa hè đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của một số người dân. Bộ trưởng cho rằng các địa phương đã có cách làm linh hoạt. Có địa phương tạo cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có nơi quy định một số tuyến đường, phố để người dân tiếp tục bán những sản phẩm hoặc tạo những chợ để người dân vào chợ bán sản phẩm từ mớ rau, quả trứng, con gà; có nơi quy định giờ bán ăn sáng, giờ bán ăn tối trên một số tuyến đường… Như vậy việc duy trì kỉ cương, lập lại trật tự hè phố vẫn bảo đảm cuộc sống cho người dân vẫn hoạt động bình thường.

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Công an đã có Công điện gửi cơ quan các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương, cần thực hiện đồng bộ chiến dịch và kiên quyết không để tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè tái diễn.

Bộ trưởng cũng mong cơ quan báo chí ủng hộ chủ trương này và chúng ta cương quyết không để lấn chiếm lại lòng đường, tạo cảnh quan đô thị, thành phố đẹp hơn, văn minh hơn.

TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân

 

Tin liên quan