Bạn đang ở đây

Tổ hợp chính sách kinh tế của Việt Nam hướng tới chất lượng

03/06/2016 14:20:32

Để thực hiện điều đó, vai trò hỗ trợ về vốn và tư vấn của các đối tác phát triển như WB là hết sức quan trọng.  

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương

Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn mới, Việt Nam đặc biệt ưu tiên triển khai tổ hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách quản lý giá, hàng hóa… để bảo đảm tăng trưởng bền vững hơn.

Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm triển khai tái cơ cấu, trong đó nhấn mạnh đến việc khai thác yếu tố năng suất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chú trọng vào chất lượng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích, cùng với việc tình hình kinh tế giới nhiều bất ổn, các dư địa chính sách của Việt Nam cũng không còn nhiều, “chật hẹp” hơn so với giai đoạn trước. Đặc biệt, với nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do khiến nhiều loại thuế suất xuống mức 0% đòi hỏi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam càng phải được cải thiện.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang có kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Quản lý nợ công, bảo đảm sự bền vững nợ công theo 2 hướng là: Cơ cấu lại nợ và nâng cao hiệu quả quản lý nợ, không để nợ của doanh nghiệp ảnh hưởng đến nợ của Chính phủ. Các quy định sẽ được siết lại, nâng cao trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương.

Dù chất lượng tăng trưởng tín dụng ngày một tốt lên, nhưng Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xử lý nợ xấu một cách thực chất hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả các đơn vị yếu kém.

Ngoài ra, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam đã đạt hơn 90% nhưng tổng vốn cổ phần hóa chưa cao.

“Do đó, thời gian tới, việc thực hiện cổ phần hóa một cách thực chất, gắn liền với nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa sẽ phải chịu đầy đủ các chế tài đã đặt ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tăng tốc cổ phần hóa, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán với mục tiêu vốn hóa thị trường tăng gấp đôi, kết hợp với thị trường trái phiếu. Việc này cũng sẽ cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ (tránh quá phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng).

Về chính sách thuế, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm Việt Nam không nâng tỉ suất tính thuế nhưng sẽ mở rộng cơ sở tính thuế. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý chặt chẽ nguồn thu, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, thu đủ thuế, chống thất thu thuế gắn liền với bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị WB và các đối tác phát triển nghiên cứu các cơ chế để hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nhiều hơn đối với các nguồn vốn giá rẻ để đầu tư phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

“Để xử lý những điểm nghẽn của nền kinh tế, ngoài vai trò nội lực, Việt Nam rất coi trọng những tư vấn của các đối tác phát triển, trong đó có WB”, Phó Thủ tướng nói.

Bà Victoria Kwakwa đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam với mức tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát tốt.

“Việt Nam có sự dịch chuyển lớn về tư duy, ngày càng coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô hướng tới sự phát triển dài hạn”, bà Kwakwa nói.

Đại diện WB cũng đưa ra một số khuyến nghị về sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách cũng như từng lĩnh vực cụ thể; việc xử lý nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng nóng về tín dụng, quản lý chặt chẽ nợ công, quản lý thu chi ngân sách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Nguồn: Báo Công Thương

 

Tin liên quan