Bạn đang ở đây

Hàng Việt bám rễ vùng khó

17/04/2018 09:19:04
 
Các gian hàng được nhiều người tiêu dùng quan tâm

Sức bật của những chuyến hàng Việt về nông thôn

Là một tỉnh miền núi với nhiều khu vực còn khó khăn, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Công Thương Bắc Kạn sau 9 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được triển khai. Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn, trong năm 2017, đã có 6 hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa được tổ chức.

Sau nhiều lần triển khai, các phiên chợ được đánh giá là ngày càng thu hút và mang lại hiệu quả cao hơn. Có được kết quả này là do Sở Công Thương đã tìm hiểu kỹ nếp sinh hoạt của người dân, từ đó có phương thức tổ chức phù hợp và thu hút nhiều người tiêu dùng hơn. Cụ thể, với đặc thù là tỉnh miền núi thuần nông, người dân phải đi làm ruộng, làm nương vào ban ngày nên các chuyến hàng Việt thường được tổ chức vào ban đêm, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động vui chơi, giải trí để thu hút đông người dân tham gia. Đặc biệt, trong mỗi phiên chợ, Ban tổ chức và các doanh nghiệp (DN) thường xuyên tổ chức trao quà động viên khuyến khích các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt tại các địa phương. Đây đã trở thành một trong những điểm hấp dẫn, thu hút nhiều người tiêu dùng đến với phiên chợ.

Trong mỗi phiên chợ kéo dài khoảng 3 ngày, DN thường đưa đến các mặt hàng mà người dân có nhu cầu cao như hàng may mặc, đồ gia dụng, giống cây trồng, lương thực thực phẩm… Để đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng hàng Việt Nam, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã chủ động hướng dẫn DN làm cam kết về tỷ lệ hàng Việt tại phiên chợ ít nhất là 80%, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Song song với đó, các DN sản xuất hàng đặc sản của địa phương như miến dong, phở khô, bún khô, rượu ngô, chè… cũng mang các sản phẩm thế mạnh của mình đến phiên chợ để bán cho khách du lịch hoặc tìm cơ hội giao thương với các DN tỉnh ngoài. Thông qua các phiên chợ này, hàng đặc sản của Bắc Kạn vốn có chất lượng cao nên dễ dàng tìm được các cơ sở phân phối, nhiều hợp đồng được ký kết. Nhờ đó, mỗi phiên chợ thu hút gần chục nghìn lượt người tham gia với doanh thu khá lớn.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn khẳng định, trong bối cảnh hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập cả ở khu vực nông thôn và thành thị thì những phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển thị trường cho hàng Việt hiện nay.

Điểm sáng từ các Điểm bán hàngViệt Nam

Cùng với các chuyến hàng Việt về nông thôn, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng nhiều Điểm bán hàng Việt Nam. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh đã xây dựng được 2 Điểm bán hàng Việt Nam tại TP. Bắc Kạn. Nhìn chung, các điểm bán hàng này đều thu hút đông người dân đến thăm quan mua sắm, doanh thu tăng cao. Đặc biệt, Điểm bán hàng Việt Nam còn là điểm phát luồng hàng hóa của tỉnh đến khách tham quan.

Trong năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ bằng việc xây dựng nhiều hơn các Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Trong đó, chú trọng tại các khu vực khó khăn hoặc tập trung nhiều khách du lịch để tăng lượng tiêu thụ hàng hóa địa phương. Việc nhân rộng những điểm bán hàng này được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối cung cầu, giúp đưa hàng hóa của các DN trong nước sản xuất đến với người tiêu dùng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, theo khảo sát tại các phiên chợ bán hàng Việt do Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tổ chức, doanh thu mua bán hàng hoá do Việt Nam sản xuất chiếm khoảng 90% tại siêu thị; 70% tại chợ, điều đó phản ánh ưu thế của hàng Việt tại thị trường nông thôn.

 

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan