Bạn đang ở đây

Hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm: Vẫn cứ đến hẹn lại tăng!

24/10/2014 10:24:01

Đến hẹn lại “gia tăng”

Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), mỗi năm cả nước bắt và xử phạt hàng trăm ngàn vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là dịp cuối năm, càng gần cuối năm thì nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao và các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng càng gia tăng nhanh chóng.

Trong năm 2013, cả nước đã xử lý tới gần 85.000 vụ vi phạm trên tổng số 162.000 vụ kiểm tra với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách lên tới 330 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý gần 13.000 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng nhập lậu, 14.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng,...

Đại diện Cục Quản lý Thị trường cho biết, đến năm 2014, các vụ việc về hàng giả hàng nhái vẫn tiếp tục gia tăng và có diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt, năm nay tập trung vào các loại hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao và tình trạng hàng giả xuất xứ đang gia tăng.


Chỉ tính riêng Hà Nội, 9 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý gần 900 vụ hàng giả, phạt tiền hơn 5 tỷ đồng.Trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 120.000 vụ, xử lý gần 64.000 vụ vi phạm hàng giả và gian lận thương mại, tăng 12,25% so với cùng kỳ năm 2013. Xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tổng số thu nộp ngân sách gần 260 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu huỷ là 40 tỷ đồng.

Tình trạng gia tăng hàng giả, hàng nhái như vậy không chỉ gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng mà còn đẩy các DN vào tình thế khó khăn, sản xuất ngừng trệ và nhiều DN phải đứng bên bờ vực phá sản.

Ông Bùi Hồng Hòa, Giám đốc Công ty Giầy da Phương Quỳnh (Hải Phòng) chia sẻ, để có mẫu mã mới, DN phải đầu tư nghiên cứu rất lâu, nhưng chỉ tung ra thị trường vài ngày là đã có ngay hàng giả, hàng nhái hình thức giống y hệt được bán với giá rẻ... làm cho DN rất khó khăn.

Chủ động nhập cuộc và đồng hành chống hàng giả

Trước thực trạng đó, tại “Triển lãm Hàng thật - Hàng giả và Tuần lễ truyền thông” do Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh: Không thể bị động hay ngoài cuộc, đã đến lúc DN cần "nhập cuộc", nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước nạn hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, DN phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng chống các hành vi làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, DN cần có những thông tin niêm yết về sản phẩm một cách chặt chẽ và đảm bảo cho người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng thật, hàng chính hãng để ngăn ngừa hoạt động làm giả, làm nhái sản phẩm của mình.

Trước nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái xảy ra vừa qua và phòng chống những tháng cuối năm, UBND Tp. Hà Nội cũng vừa chỉ đạo triển khai công tác chống buôn bán gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2014 trên địa bàn.

Trong đó, tập trung vào công tác quản lý thị trường dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, thực hiện kiểm tra đột xuất tại một số địa bàn trọng điểm, phức tạp về thị trường trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Tuy nhiên, để chống lại vấn nạn hàng giả hiệu quả, theo Cục Quản lý Thị trường, cần phải triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là phía DN vì chỉ có DN mới nhanh chóng phát giác hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái trên thị trường và có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý bảo hộ quyền của mình./.

Theo TBTCVN

Tin liên quan