Bạn đang ở đây

FED đang cân nhắc lại chính sách lãi suất âm

12/10/2015 13:23:29

Trong một cuộc phỏng trên truyền hình, Chủ tịch FED chi nhánh New York William Dudley nhận định kinh nghiệm về chính sách lãi suất âm tại Châu Âu khiến ngân hàng trung ương Mỹ xem xét sử dụng biện pháp này nếu suy thoái xảy ra lần nữa và cái giá mà kinh tế Mỹ phải trả cho quyết định này có thể không nghiêm trọng như nhiều dự đoán trước đây.
Trước đó, Cựu Chủ tịch FED Ben Bernake đã từng xem xét chính sách lãi suất âm trong cuộc khủng hoảng 2009 nhưng cuối cùng không lựa chọn biện pháp này.
Theo ông Dudley, FED đã từng quyết định không sử dụng chính sách lãi suất âm dù nền kinh tế Mỹ có diễn biến tồi tệ và không hoàn thành các mục tiêu đề ra bởi lo ngại những ảnh hưởng từ biện pháp này có thể gây ra thiệt hại lớn hơn so với tác động tích cực mang lại.
Cựu Chủ tịch Bernake tuần trước cho biết ông không thực hiện chính sách lãi suất âm do lo ngại những tác động tiêu cực đến các quỹ thị trường tiền tệ (MMF), chuyên đầu tư vào thị trường tín dụng ngắn hạn và thị trường tiền tệ. Ông Bernake nói rằng các quan chức của FED đã báo cáo với ông về tác động tích cực từ chính sách lãi suất âm có thể không được như mong đợi.
Tuy nhiên, ông Bernake đã dần thay đổi quan điểm về chính sách lãi suất âm do những minh chứng tại thị trường Châu Âu trong vài năm qua. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), ngân hàng trung ương Đan Mạch và Thụy Điển đã phần nào thực hiện chính sách lãi suất âm và có một số hiệu quả nhất định.
“Chúng ta đã thấy chính sách lãi suất âm có tác dụng đối với một số nước Châu Âu trong vài năm qua. Vì vậy tôi cho rằng FED sẽ cân nhắc lại biện pháp này trong tương lai”- ông Bernake nói.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis, ông Narayana Kocherlakota, cho biết ông ủng hộ việc hạ lãi suất xuống dưới 0% nhằm thúc đẩy thị trường lao động Mỹ, vốn đã trì trệ kể từ sau đợt tăng trưởng mạnh năm 2014.
Theo Giáo sư kinh tế Miles Kimball của Đại học Michigan, chính sách lãi suất âm sẽ tác động tiêu cực đến lãi suất tiền gửi. Ví dụ 100 USD tiền gửi trong ngân hàng chỉ còn có giá trị 98 USD sau một khoảng thời gian.

Do đó, Giáo sư Kimball nhận định ít có khả năng FED sẽ thực hiện chính sách này.

Mặc dù vậy, ông Kimball cho rằng những lợi ích mà chính sách lãi suất âm mang lại vô cùng hấp dẫn trong tình hình kinh tế Mỹ có khả năng đối mặt nguy cơ tăng trưởng giảm tốc do việc hạ lãi suất xuống dưới 0% sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu đầu tư, chi tiêu trên thị trường.

Theo Vinanet

Tin liên quan