Bạn đang ở đây

Cơ Sở Hạ Tầng tỉnh Yên Bái...

10/02/2012 17:16:18

* HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Đường bộ: Mạng lưới giao thông đường bộ được hình thành và phân bố tương đối hợp lý so với địa hình, song chưa được hoàn chỉnh, chưa có đường tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phần lớn là đường cấp IV, V, VI, nhiều tuyến chưa vào cấp, hệ thống giao thông nông thôn chưa thông xe được 4 mùa, mùa mưa lũ nhiều đoạn đường bị ngập hoặc sạt lở nghiêm trọng, còn thiếu một số tuyến ngang.

- Quốc lộ: Gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 375,5 km. Các công trình cầu, cống đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, không còn ách tắc giao thông trong mùa lũ.

+ Quốc lộ 37 dài 97,5 km (3,4 km đường cấp II, 12,3km đường cấp II, 81,8 km đường cấp IV).

+ Quốc lộ 70 dài 84 km (6 km đường cấp III, 78 km đường cấp IV).

+ Quốc lộ 32 dài 175 km (21km đường cấp III, 154 km đường cấp IV).

+ Quốc lộ 32C dài 17,5 km (1 km đường cấp III, 16,5 km đường cấp IV).

- Đường tỉnh: Tổng chiều dài 441 km, gồm 15 tuyến đi qua 66/180 xã phường. Các tuyến đường tỉnh gồm: Yên Bái – Khe Sang (78,5 km); Khánh Hòa – Minh Xuân (27 km); Văn Chấn – Trạm Tấu (30 km); Cảng Hương Lý – Văn Phú (12 km); Hợp Minh – Mỵ (36 km); Đại Lịch – Minh An (26km); Yên Thế - Vĩnh Kiên (83 km); An Bình – Lâm Giang (22km); Yên Bái – Văn Tiến (7 km); Cẩm Vân – Mông Sơn (10 km); Mậu A – Tân Nguyên (18 km); 2 đầu cầu Mậu A (1,4 km); Âu Lâu – Quy Mông – Đông An (52 km); An Thịnh – An Lương (38 km); Đường vào nhà máy xi măng Yên Bình (1 km);

- Đường đô thị: Tổng chiều dài 165,6 km, gồm: Thành phố Yên Bái 118,1 km, thị xã Nghĩa Lộ 15 km, Lục Yên 4,3 km, Mù Cang Chải 2,8 km, Trạm Tấu 1,6 km, Yên Bình 4,3km, Văn Chấn 6,5km, Văn Yên 5km, Trấn Yên 8km. Trong đó có 125,6 km đạt tiêu chuẩn đô thị, còn lại chưa vào cấp. Chất lượng đường tốt chiếm 33%, đường trung bình 50%, đường xấu và rất xấu 17%.

- Đường chuyên dùng: Tổng chiều dài 228,3 km, gồm các đường nông trường, lâm trường, quốc phòng, chủ yếu phục vụ vận chuyển nội bộ theo mùa vụ. Trong đó có 137 km đạt tiêu chuẩn đường cấp A, B nông thôn, hệ thống cống thoát nước chưa đầy đủ.

 - Đường giao thông nông thôn: Tổng chiều dài 5.743 km. Hầu hết các tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp VI, cấp A, B nông thôn, nhiều tuyến mới khai thông, việc đi lại phải phụ thuộc vào thời tiết.

* Đường thủy: Gồm 2 tuyến chủ yếu:

    - Tuyến sông Hồng dài 115 km, trong đó có 10 km đoạn Văn Phú – Yên Bái do Trung ương quản lý, còn lại 105 km chưa được khai thông luồng lạch và xây dựng bến cảng, kho bãi.

    - Tuyến hồ Thác Bà dài 83 km, trong đó có 50 km đoạn cảng Hương Lý – Thác Bà – Cẩm Nhân. Hiện đã có hệ thống báo hiệu đường thủy trên một số tuyến chính, các phương tiện đi lại dễ dàng quanh năm và có bến tàu khách đảm bảo vận chuyển hành khách đi lại và tham quan du lịch.

Đường sắt trên tuyến Hà Nội- Lào Cai- Trung Quốc chạy qua Yên Bái dài 83 km, gồm 10 ga (1 nhà ga hạng 2; 9 nhà ga hạng 4) chạy qua địa phận 20 xã, phường, thị trấn. Các yếu tố địa hình, địa chất thủy văn, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu, hệ thống cảnh báo đường ngang không an toàn, khổ đường hẹp (1,1 mét), lạc hậu so với các khu vực. Vận tốc tàu chạy thấp, hệ thống nhà ga, kho bãi, các dịch vụ còn ở mức thấp.

Đường hàng không: Sân bay Yên Bái tại huyện Trấn Yên là sân bay quân sự, đủ điều kiện thuận lợi để có thể sử dụng kết hợp phát triển kinh tế và quốc phòng nếu được Chính phủ cho phép. Ngoài ra còn có các sân bay Nghĩa Lộ, Nậm Khắt, Đông Cuông là những sân bay dã chiến từ thời chống Pháp.

 

* HẠ TẦNG THỦY LỢI

Theo kết quả điều tra đối với các công trình có diện tích tưới trên 1 ha: Toàn tỉnh có 2626 công trình tưới bao gồm 2450 đập dâng, 160 hồ chứa, 16 trạm bơm. Trong đó có 807 công trình kiên cố, 1819 công trình tạm.

Về các công trình đầu mối và các công trình trên kênh:

-          Công trình đầu mối: 2607 công trình đập, 138 tràn xả lũ, 834 cống lấy nước

-          Kênh dẫn: 1367km kênh dẫn, 2206 km kênh đất.

-          Công trình trên kênh: 1210 cống qua đường, 418 cống tràn nước thừa, 298 cầu máng, 79 xi phông. Ngoài ra còn rất nhiều công trình nhỏ, kênh ống dẫn nước phục vụ tưới.

Theo thiết kế, các công trình tưới trên địa bàn tỉnh tưới được cho 28.422 ha, tuy nhiên thực tế chỉ tưới được 19.977 ha, đạt 70% 

* HẠ TẦNG ĐIỆN NƯỚC

Hệ thống điện:

Toàn tỉnh có 1.012 trạm biến áp  trong đó có 2 trạm biến áp 110/35 KV, công suất 60.000KVA, 11 trạm biến áp 35/10 KV, tổng công suất 36.000 KVA; 4 trạm biến áp 35/6 KV, công suất 15.000 KVA;  2 trạm biến áp 22/6KV, công suất 20.000 KVA; 762 trạm biến áp 35/0,4 KV, tổng công suất hơn 137.000 KVA; 2 trạm biến áp 22/0,4 KV, tổng công suất 1.120KVA;  228 trạm biến áp 10/0,4 KV, tổng công suất hơn 47.000 KVA. 1 trạm 35/0,22KV với công suất 20 KVA.

Tỉnh có 269,1km đường dây 110 KV gồm 7 lộ và 2 nhánh rẽ trong đó có  70 km đường dây 110 KV 2 mạch.

Đường dây trung áp và hạ áp do điện lực quản lý: 1367,2 km đường dây 35 KV, 3,3 km đường dây 22KV, 179,3 km đường dây 10 KV và 1774,2 km đường dây 0,4 KV. Đường trục 0,4 là 1435 km, nhánh 1 pha là 240 km, nhánh 3 pha là 259,2 km,

 Với hệ thống mạng lưới điện như hiện nay, 90% số dân được dùng điện lưới quốc gia, riêng khu vực nông thôn có hơn 111 nghìn hộ được dùng điện.

Nước sinh hoạt:

- Nước sinh hoạt đô thị: Hiện nay thành phố Yên Bái, thị trấn Yên Bình đã có hệ thống nước máy cung cấp bởi Nhà máy nước Yên Bái – Yên Bình công suất 12.000 m3/ ngày và Nhà máy nước thị xã Nghĩa Lộ công suất 3.500 m3/ ngày cung cấp nước cho thị xã Nghĩa Lộ. Một số huyện lỵ cũng được cung cấp nước máy: Cổ Phúc, Yên Thế, Sơn Thịnh. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều hộ gia đình sử dụng nước giếng tự đào.

- Nước sinh hoạt nông thôn: Toàn tỉnh hiện có 70.254 công trình cấp nước hợp vệ sinh. Trong đó: 70.012 Công trình cấp nước nhỏ lẻ gồm: (giếng đào, giếng khoan, bể lu chứa nước mưa, nước sông, suối đã qua xử lý…), 242 công trình cấp nước tập trung (Trong số 242 công trình cấp nước tập trung chỉ có 71 công trình hoạt động bền vững). Tính đến hết năm 2010  dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh có nước sinh hoạt HVS đạt 70%.

 Người dân nông thôn hiện còn sử dụng các nguồn nước tự nhiên từ sông, ngòi, suối, nước lẫn từ các khe núi

HẠ TẦNG THÔNG TIN LIÊN LẠC

Hệ thống cơ sở vật chất ngành bưu chính viễn thông liên tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin liên lạc của mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Mạng lưới thông tin nội bộ 100% đã được số hóa, 9/9 huyện, thị, thành phố có tuyến viba và tổng đài điện tử tự động.

Tổng số điện thoại trên toàn tỉnh là 314.591 đạt mật độ trung bình 42  máy/100 dân bao gồm: Điện thoại cố định: 110.400 TB; Di động trả sau: 32.891 TB; Di động trả trước: 172.300 TB.

Tổng số số thuê bao internet 31.650 thuê bao, đạt mật độ 4,2 thuê bao/100 dân trong đó: Thuê bao internet tốc độ cao ADSL: 16.473 TB; Thuê bao internet cáp quang FTTH: 115 TB; Truy nhập internet không dây tốc độ cao USB 3G: 4.921 TB; Thuê bao truy nhập internet qua điện thoại di động: 10.975 TB; Thuê bao MyTV: 4.610 TB; Đại lý internet:  149 Đại lý

Tổng số trạm BTS: 638 trạm (Trong đó: BTS-2G là 343 trạm; BTS-3G kết hợp 2G là 278 trạm và 17 trạm BTS-3G.)

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, duy trì tốt với tổng số 194 điểm phục vụ. Trong đó Bưu điện tỉnh (doanh nghiệp chủ đạo cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát với 30 điểm bưu cục, 153 điểm bưu điện văn hóa xã, 10 điểm đại lý và ki ốt) và Bưu chính quân đội (chỉ hoạt động trên địa bàn thành phố Yên Bái với 01 điểm bưu cục). Mạng đường thư trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến/383 km đường thư cấp 2, 103/1561 đường thư cấp 3 của Bưu điện và 2 tuyến/34km của Bưu chính Viettel, đảm bảo 154/159 xã có báo đến trong ngày.

Tin liên quan