Bạn đang ở đây

Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Cuộc chiến còn gian nan

31/08/2011 16:45:58
Những tín hiệu vui
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127/ĐP, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 127 đã phát hiện và xử lý 1.188 vụ vụ BL&GLTM (trong đó xử lý hình sự  4 vụ); xử phạt hành chính 1,336 tỷ đồng; bán hàng tịch thu, vào ngân sách Nhà nước 4,42 tỷ đồng; phạt và truy thu thuế gần 800 triệu đồng; thu hồi tiền vi phạm trong khai thác khoáng sản 3,3 tỷ đồng và giá trị hàng tiêu huỷ gần 130 triệu đồng. Trong ngành đã phát hiện và xử lý có vụ vận chuyển bằng tầu hoả (số hiệu 370 Lào Cai - Yên Viên) 241 tấn phân bón DAP do Trung Quốc sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ. 
Quá trình xác minh, phối hợp với Ban chỉ đạo 127/ĐP các tỉnh Lào Cai, thành phố Hà Nội, Hải Phòng và ngành đường sắt đã làm rõ hành vi vi phạm. Ngày 13/3/2009, Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái đã ra quyết định xử lý vụ việc với số tiền phạt hành chính 10 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu 2,41 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành chức năng còn phát hiện và xử lý bằng các hình thức tịch thu hàng trăm mét khối gỗ, hàng trăm kg thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc và nhiều mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ông Phan Bá Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo 127 Yên Bái cho biết: “Kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống BL&GLTM thời gian qua là hết sức đáng mừng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp có hiệu quả của các ngành thành viên, cần phải nhìn vào tình hình thị trường Yên Bái để thấy rõ điều đó”.
Qua đánh giá, tình hình gian lận trong kinh doanh thương mại diễn biến phức tạp như gian lận về đo lường, chất lượng sản phẩm, gian lận về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá có dấu hiệu gia tăng; hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái vẫn trà trộn vào thị trường các huyện vùng cao, vùng xa; tình hình kinh doanh hàng hoá nhập khẩu lậu vẫn tiếp tục diễn ra bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như quay vòng hoá đơn, lợi dụng chính sách cư dân biên giới để hợp thức hoá hàng lậu; đặc biệt tình hình khai thác khoáng sản vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, trong đó phải kể đến việc khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép đá cảnh tại Suối Giàng và Sơn Thịnh (Văn Chấn); khai thác cát vàng trên sông Hồng đoạn chảy qua huyện Văn Yên, Trấn Yên; việc buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép tuy không còn diễn biến phức tạp do các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát mạnh nhưng vẫn diễn ra một cách lén lút, nhỏ lẻ.
Cuộc chiến còn gian nan
Trong bối cảnh tình hình BL&GLTM còn diễn biến hết sức tinh vi và ngày càng phức tạp; bọn buôn lậu không từ một thủ đoạn tinh vi nào nhằm đạt được mục đích của mình từ việc vận chuyển bằng nhiều phương tiện, đi bằng nhiều thời gian khác nhau, bằng nhiều tuyến đường khác nhau, đến việc đe dọa, mua chuộc cán bộ... Cuộc chiến chống BL&GLTM nói chung vốn đã hết sức khó khăn nhưng tại Yên Bái lại thêm nhưng khó khăn đặc thù như: địa bàn rộng, lĩnh vực đấu tranh rộng; lực lượng cán bộ mỏng, trình độ còn nhiều bất cập, nhiều vị trí quan trọng chỉ là kiêm nhiệm.
Cùng với đó là thiếu các trang thiết bị phục vụ cho công tác điều tra, giám định sản phẩm nghi giả, nhái, kém chất lượng nên nhiều lúc, nhiều nơi phải phụ thuộc vào cơ quan khác (chủ yếu ở ngoài tỉnh) nên tính chủ động rất thấp; thời gian gần đây tình trạng vận chuyển hàng lậu bằng tầu hoả diễn ra phức tạp và rất tinh vi nhưng thời gian dừng tầu rất ngắn, thủ tục dừng tầu, cắt toa phức tạp và rất khó thực hiện nên việc kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu chặt chẽ, dễ bị các đối tượng lợi dụng, trong đó phải kể đến quy định về chế độ cư dân biên giới và quy định thời điểm xuất trình hoá đơn chứng từ (chính sách quy định, cư dân biên giới được phép mua hàng hoá mỗi lần không quá 2 triệu đồng, lợi dụng chính sách này nhiều người dân ở vùng biên đã sang Trung Quốc mua hàng hoá về bán lại cho bọn buôn lậu thu gom, vận chuyển về xuôi bán kiếm lời vì hàng hoá đó có giá bán thấp hơn do được miễn giảm thuế).
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng chống BL&GLTM, Ban Chỉ đạo 127/ĐP đã có hàng loạt các kiến nghị lên UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 127/TW và Chính phủ như: tăng biên chế chống BL&GLTM cho các lực lượng chức năng; tăng định mức chi phí khoán/người cho phù hợp với tính chất công việc; có chủ trương hỗ trợ kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác, nhất là các thiết bị phục vụ công tác chống hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Kiến nghị với Ban chỉ đạo 127 Trung ương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ sửa đổi một số văn bản quy phạm chưa phù hợp..., đề nghị chính quyền các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chống buôn lậu, tránh tình trạng khoán trắng cho các ngành thành viên Ban chỉ đạo. Cùng với đó là các chế độ đãi ngộ đối với những lực lượng làm thêm giờ, chế độ khen thưởng thật phù hợp đối với người có công...
 
Theo YBĐT

Tin liên quan