Bạn đang ở đây

Cần đẩy mạnh tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học

27/10/2014 08:32:38

Công tác tuyên truyền kết quả nghiên cứu KH&CN làm cho các sản phẩm khoa học đến với cộng đồng xã hội, giúp người dân áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống và động viên các nhà khoa học nỗ lực hơn nữa cho công tác nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, công tác truyền thông các kết quả NCKH đang gặp một số trở ngại, khó khăn. Trước hết, công tác truyền thông các kết quả NCKH chưa được quan tâm đúng mức, truyền thông về KH&CN nói chung và truyền thông các kết quả NCKH vẫn còn mờ nhạt.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học chưa được phát huy để chuyển hóa các kết quả NCKH vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng. Điều này xuất phát từ chính đội ngũ các nhà khoa học chưa chú trọng công tác truyền thông kết quả NCKH; chưa tích cực giới thiệu, thậm chí không muốn đưa lên báo chí những kết quả mình làm.

Một số nhà khoa học lại cho rằng các phóng viên có thể trích dẫn sai ý kiến, ảnh hưởng đến uy tín xã hội của họ. Các phóng viên cũng sẽ khó tiếp cận các nhà khoa học này, dễ bị các nhà khoa học từ chối. Thực tế cho thấy, các nhà khoa học chủ động tuyên truyền kết quả NCKH trên các ấn phẩm thông tin KH&CN, website... còn rất hạn chế, hầu hết do cơ quan truyền thông chủ động tiếp cận, đặt bài viết, trong khi, việc tuyên truyền hoàn toàn miễn phí...

Bên cạnh đó, các kết quả NCKH phức tạp và phong phú, phải chính xác và đầy đủ nhưng khả năng viết bài, biên tập của những người làm truyền thông KH&CN còn hạn chế. Vì vậy, người làm truyền thông cần phải có sự hiểu biết nhất định đối với những kiến thức theo từng lĩnh vực của KH&CN. Ngoài ra, sự đón nhận thông tin về kết quả NCKH cũng chưa được nhiều người quan tâm. Hàng ngày, mọi người đều theo dõi thông tin về giá cả thị trường, tin tức giao thông, sức khỏe, tình yêu, văn hóa... nhưng ít người quan tâm hiện có công trình NCKH nào mới ra đời hoặc kết quả nghiên cứu nào có thể áp dụng hiệu quả vào thực tế. Mặt khác, kinh phí cho công tác tuyên truyền các kết quả NCKH còn hạn chế, nhiều đề tài không được duyệt kinh phí cho mục này.

Để công tác truyền thông KH&CN hiệu quả và kết quả NCKH đến được với cộng đồng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, cần giải quyết đồng bộ các mặt của vấn đề; có cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các cơ quan thông tin đại chúng. Đã đến lúc, các nhà khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KH&CN và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông. Thay vì lặng lẽ nghiên cứu, lặng lẽ ứng dụng, các nhà khoa học nên quảng bá sâu rộng kết quả NCKH đến cộng đồng và xem đây là động lực lớn, là thành quả cho quá trình nghiên cứu của mình. Người làm truyền thông về kết quả NCKH cần có những kiến thức, hiểu biết nhất định về lĩnh vực quan tâm; khi viết về thông tin KH&CN cần kiểm tra tính chính xác và tính cân bằng của bản tin, bài báo, tránh những sai sót và đem lại sự hấp dẫn cho độc giả.

Các tổ chức KH&CN cần quan tâm về vai trò của công tác tuyên truyền các kết quả của các đề tài, dự án đã được nghiệm thu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí, đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất về các kết quả NCKH; dành một phần kinh phí hợp lý cho công tác tuyên truyền bởi các kết quả NCKH không đến được với công chúng, xem như kết quả đó không có giá trị. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, sự nhận thức của cộng đồng là một chất xúc tác lớn cho những người làm truyền thông KH&CN và cũng là động lực lớn để các nhà khoa học nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu, cho ra đời những công trình, sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phục vụ tốt hơn nữa cho xã hội.

Hy vọng, với nhận thức đúng tầm quan trọng của việc tuyên truyền các kết quả NCKH, sự quan tâm hơn nữa của những nhà khoa học, các cơ quan KH&CN và sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông sẽ đưa các kết quả NCKH vào xã hội một cách tự nhiên, sâu rộng, giúp người dân ứng dụng hiệu quả vào thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Báo Yên Bái

Tin liên quan