Bạn đang ở đây

Các giống sầu riêng trồng cho năng suất cao tại Việt Nam

09/11/2016 09:44:26

Xin chào các thành viên trong hội. Cây sầu riêng hiện nay có thể nói là 1 trong những cây trồng hot cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên do thời gian chăm sóc khá lâu mới cho ra thành quả (4-5 năm) do đó hôm nay tôi viết 1 bài về giống để mọi người có thể tham khảo mà từ đó đưa ra quyết định nên trồng giống gì. Hiện nay thị trường có 2 loại giống chính được nhiều người ưa chuộng là RI 6 và Moonthong (hay bà con còn gọi là sr Thái hoặc Sr Dona cũng chính là nó). Theo những thông tin tôi được biết (nguồn này từ những người gạo cội trong nghề chứ trên internet cũng sẽ không có nha) 
- Giống đầu tiên là RI6 hay còn gọi là 6 Ri bắt nguồn từ xã Bình Hòa Phước của huyện Long Hồ-VL tên RI 6 là đặc điểm của giống Sr lại này với tên người chủ nhân của nó, tuy nhiên nguồn gốc của nó cũng có nhiều vấn đề gây tranh cãi. Vì giống cây này mà tình anh em của chú 6 Ri và 10 Tùng sứt mẻ nghiêm trọng. Theo như chú 10 Tùng thì giống này do chú phát hiện và lai tạo nhưng chú 6 Ri lại là người đăng ký thương hiệu, sau này anh Trung con chú phát triển và bán giống này rất nhiều. Đặc điểm chính của giống này là trái tròn, cơm vàng đậm và dẻo, mùi thơm nồng nhưng vỏ mỏng nên không bảo quản lâu được. Do đó sầu riêng RI6 này chủ yếu được bán cho thị trường trong nước. Hiện nay giống này được trồng chính ở miền Tây.

 


- Giống thứ 2 là Moonthong(Thái hay Dona theo cách gọi của nông dân Tây nguyên): giống sầu riêng thái này được du nhập về Việt theo đường không chính thống do đại tá quân đội Hai Tân nhập về từ đầu thập niên 90, khi tiếp xúc với chú 2 vào năm 2003 thì chú xác nhận là chú chở 2 xe tải cây giống bằng đường bộ về và trồng tại trang trại của chú ở Trừ Văn Thố- Bến Cát-BD (trang trại này đón tiếp rất nhiều VIP từ chủ tịch nước, thủ tướng, tổng bí thư của nhiều kỳ), từ giống Moon ở đây mà miền tây mới có và nhân ra rộng rãi rồi mỗi nơi đặt 1 tên khác nhau nhưng hay gọi chung là sầu riêng Thái. Sau đó anh Cường Donatechno nhập giống này về Long Khánh-ĐN và lấy tên Dona rồi phát triển các dự án trồng trọt tên Tây nguyên nên giờ cũng còn rất nhiều người dân nhầm lẫn về giống. Trong giai đoạn năm 2000 thì Dona triển khai không chỉ sr trên Tây nguyên mà còn cả Xoài thái, mít... Tuy nhiên không hiểu do kỹ thuật như thế nào mà nhiều vườn theo quy trình của Dona thì lại bỏ hết bộ tán dưới rất phí. Sau này tôi lên Tây nguyên phải chỉnh lại cho dân cái vụ tán cũng rất mệt mỏi. Đặc điểm chính của giống này là da trái xanh, hơi dài, cơm dẻo ráo, vị thơm vừa, vỏ dày bảo quản lâu nên thích hợp xuất khẩu(hiện nay thị trường chính là Trung Quốc) cây được trồng nhiều tại Miền Đông, Tây Nguyên và cả miền Trung. Đặc điểm của giống sr này là ở miền Tây hay Miền đông mà nó thụ phấn với Chanee thì đúng 4 tháng sẽ thu hoạch, còn Tây nguyên thì 4,5-5 tháng mới được thu.
 


- Ngoài ra còn có nhiều giống sr nội cho chất lượng ngon như Sữa hạt lép cơm vàng 9 Hóa(đây là giống bom xịt nhất VN vì nó được chọn là giống quốc gia nhưng lại không thể phát triển rộng vì chín xong là nhão rất nhanh, hiện nay giống này chỉ còn Ba Đảo-BP là phát triển được chứ những vườn nhỏ khác người ta chặt bỏ hết rồi, dân gọi nó là giống Chín Quá :) ) , sr Út Thủy (trồng miền Đông, Tây nguyên thì sượng cứng như đá), sầu riêng chuồng bò, hay là khổ qua xanh, khổ qua vàng...
Với 3 cái gạch đầu dòng như vậy để cho các bạn hiểu thêm 1 tý về lịch sử SR VN. Bây giờ tôi sẽ đề xuất về cơ cấu trồng. Tây nguyên, miền Đông thì trồng chính Moonthong do đất rộng, cây thích hợp hơn so với RI6 và có khả năng xuất khẩu cao. Miền Tây đất hẹp thì tập trung trồng giống RI6 để bán trong nước (theo cảm nhận cá nhân thì Ri6 người biết ăn sr sẽ thích hơn). 
Các giống khác thì tôi không bàn tới. Thôi bài dài rồi để cuối tuần rảnh tôi sẽ viết thêm về việc xử lý ra hoa và giúp tăng đậu trái cho nhà vườn ở Miền Đông và Tây nguyên. Chào thân ái và quyết thắng!!!



Cảm ơn bài viết của anh Chương Nguyễn, chúc bà con nông dân có những vụ mùa bội thu cùng Viện Eakmat - luôn đồng hành cùng bà con.

Tin liên quan