Bạn đang ở đây

Bộ CôngThương: Tăng cường đấu tranh chống hàng giả

23/03/2018 09:49:08

Việc triển khai thực hiện kế hoạch chủ yếu được thực hiện trên hai nhóm nội dung chính là: Kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền, hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo xuất xứ. Hoạt động này được chia làm 3 giai đoạn. 

Giai đoạn một, tổ sẽ tiếp nhận thông tin và thẩm tra, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác như: Hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tập trung tiến hành kiểm tra thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, mở rộng phạm vi kiểm tra đối với một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm tại các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Nội dung này được thực hiện trong năm 2018. 

Giai đoạn hai, trong năm 2019, tiếp tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và mở rộng phạm vi đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác… tại các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng trị, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An.

Giai đoạn ba, năm 2020, tổ sẽ tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trên diện rộng trên toàn bộ địa bàn trọng điểm gồm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Để làm tốt công tác này, tổ sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường (QLTT) 63 tỉnh, thành phố; đồng thời, chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành có liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan…

Mới đây, Tổ công tác với 7 thành viên đã có buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để bàn phương án phối hợp trong công tác quản lý, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), Tổ trưởng tổ công tác - nhấn mạnh: Thời gian qua, hàng loạt các vụ việc được phanh phui như: Thuốc chữa ung thư giả của Pharma, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả - những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người… 

Dù những sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn nhức nhối, song các cơ quan quản lý cũng thừa nhận, việc xử lý và truy tố những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không dễ, vì để đánh giá làm giả chất lượng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có công tác giám định. Do vậy, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, ông Kiều Nghiệp - Phó Tổ trưởng Tổ công tác - mong muốn Cục An toàn thực phẩm sẽ có cơ chế phối hợp nhanh gọn, hiệu quả, cần thiết có thể ký văn bản quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. 

Theo: Báo Công Thương

Tin liên quan