Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng

05/09/2011 10:42:24

 

Theo đó, quan điểm phát triển, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), felspat, cao lanh và magnezit phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bảo đảm hài hoà lợi ích quốc gia và địa phương, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân địa phương có nơi khoáng sản được khai thác, chế biến; phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ các công trình văn hoá có giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn có khoáng sản. Phát triển phải bền vững, bảo đảm an toàn, có hiệu quả kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên của đất nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và có một phần cho xuất khẩu. Công tác thăm dò phải được tiến hành trước một bước, phù hợp với lịch trình của quy hoạch, nhăm tạo cơ sử tài nguyên tin cậy cho công tác khai thác, chế biến và sử dụng sản phẩm khoáng chất có hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Việc phát triển khai thác, chế biến phải có quy mô và chủng loại sản phẩm phù hợp trên cơ sở ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến, phù hợp điều kiện Việt Nam và thân thiện với môi trường. Các đề án, dự án khai thác, chế biến với quy mô công nghiệp và sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu được khuyến khích.
Mục tiêu phát triển của Quy hoạch phân vùng bao gồm: Tập trung thăm dò các mỏ khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit đã được điều tra, đánh giá để đáp ứng đủ trữ lượng tin cậy cho nhu cầu khai thác và chế biến trong giai đoạn quy hoạch; thu hồi tối đa tài nguyên trong khai thác và chế biến thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo hiệu quả kinh tế việc khai thác và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn hoạt động khoáng sản; đẩy mạnh việc đầu tư đồng bộ các cơ sở chế biến sâu các loại khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Ước tính vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit trong giai đoạn quy hoạch khoảng 16.844 tỷ VNĐ. Trong đó: Giai đoạn đến năm 2015 khoảng 5.164 tỷ VNĐ và giai đoạn 2016-2025 khoảng 11.680 tỷ VNĐ.
Tại Quyết định số 47/2008/QĐ-BCT nêu trên, Bộ Công Thương cũng đề ra nhóm giải pháp, chính sách tổng thể và nhóm giải pháp, chính sách cụ thể.
Nhóm giải pháp, chính sách tổng thể bao gồm: Chế biến khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit loại sản phẩm chất lượng cao và các chế phẩm của chúng phục vụ nhu cầu trong nước là chính, có một phần xuất khẩu hợp lý sẩn phẩm chế biến sâu, do trữ lượng thăm dò và tài nguyên dự báo đá vôi trắng rất lớn (35 tỷ tấn), vì vậy trong giai đoạn quy hoạch không hạn chế việc xuất khẩu sản phẩm đá vôi trắng (bột và cục) trong giai đoạn quy hoạch; tăng cường phân cấp quản lý tài nguyên, hoàn thiện quy chế và tăng cường đầu thầu hoạt động khoáng sản, thành lập các Công ty cổ phần với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm, năng lực khai khoáng, có năng lực tài chính để đầu tư vào công tác thăm dò, khai thác đến chế biến sâu khoáng sản, khuyến khích đa dạng loại hình sở hữu, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp khai thác, chế biến nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit theo định hướng ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực trong nước, liên doanh liên kết với nước ngoài trong lĩnh vực chế biến đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đào tạo và sử dụng lao động địa phương, có biện pháp chủ động bảo vệ môi trường sinh thái và tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội.
Nhóm giải pháp, chính sách cụ thể bao gồm các giải pháp về thị trường; nghiên cứu, chuyển giao và tiếp nhận khoa học - công nghệ; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; giải pháp về vốn đầu tư và công tác quản lý nhà nước
Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy hoạch, định kỳ thời sự hoá, cập nhật và điều chỉnh Quy hoạch; đề xuất cơ chế, chính sách phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit, bảo đảm đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông theo chức năng và nhiệm vụ của mình, chủ trì và phối hợp với Bộ Công Thương triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách đề ra trong Quyết định nêu trên.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tổ chức quản lý và bảo vệ tài nguyên đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit trên địa bàn, ngăn ngừa tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản; tổ chức lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến thuộc thẩm quyền của địa phương và phù hợp với Quy hoạch, khoanh định và phê duyệt các khu vực cấm, tạm thời cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp triển khai các dự án nêu trong Quyết định 47/2008/QĐ-BCT.
Xem chi tiết Quyết định  tại đây.

Tin liên quan