Bạn đang ở đây

65 năm báo chí đồng hành cùng Ngành Công Thương

20/06/2016 14:38:37

Nhân dịp 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2016), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn của Bộ Công Thương đã dành cho phóng viên Báo Công Thương cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Đánh giá của Thứ trưởng về vai trò của báo chí trong việc đồng hành cùng sự phát triển của ngành Công Thương trong những năm qua?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trải qua 65 năm liên tục phát triển, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước giao, ngành Công Thương đã có những chuyển biến cơ bản, đáng ghi nhận như phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, góp phần đưa nước ta vào nước có thu nhập trung bình. Đáng lưu ý, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm hơn 80% GDP, đóng góp khoảng 70% ngân sách hàng năm, góp phần nâng thu nhập bình quân từ 1.000 USD lên 2.200 USD/người. Ngành Công Thương quản lý nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất... và những ngành tiêu dùng thiết yếu như dệt may, giày dép, thực phẩm, nước giải khát... Với tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, ngành Công Thương đã tạo công ăn, việc làm cho hàng triệu lao động. Xuất phát từ vị trí và vai trò như vậy, công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động của ngành là hết sức quan trọng.

Trong sự phát triển của ngành Công Thương, báo chí đã thể hiện rõ vai trò khi không chỉ phản ánh các mặt hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, mà còn hội nhập quốc tế về kinh tế, mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển, lớn mạnh của ngành trong 65 năm qua.

Là Bộ quản lý đa ngành, thông tin về những lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí. Những lĩnh vực như: Xăng dầu, cung cầu hàng hóa, hội nhập, quản lý thị trường, điều hành giá điện… luôn là vấn đề “nóng”. Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, lộ trình đưa các sản phẩm này vận hành theo giá thị trường đã nhận được sự đồng thuận lớn của dư luận.

Những năm vừa qua, đặc biệt năm 2015 được coi là năm hội nhập với hàng loạt những sự kiện lớn như ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan… đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), báo chí đã đóng vai trò quan trọng tuyên truyền thông tin hội nhập sâu rộng đến các cấp, ban, ngành, người dân và doanh nghiệp… Nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã mở các chuyên mục, chuyên trang riêng về hội nhập, nhằm cung cấp thông tin về những cơ hội, thách thức của hội nhập đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp (DN), giúp DN nắm bắt tốt và có sự chuẩn bị trước để đón nhận thời cơ, cơ hội từ hội nhập.

Nhiều lĩnh vực khác như quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu… cũng nhận được sự quan tâm lớn của báo chí. Có thể nói, sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí đã giúp những chỉ đạo của Bộ Công Thương được thực thi tốt hơn, giúp dư luận hiểu rõ hơn và đồng thuận với chỉ đạo đó. Những “chiến sỹ trên mặt trận thông tin” đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của ngành trong suốt 65 năm thành lập, cũng như 30 năm đất nước Đổi mới – Hội nhập và Phát triển.

Cùng với các cơ quan báo chí ngoài ngành, hiện nay, hệ thống các đơn vị báo chí, tuyên truyền trực thuộc Bộ như Báo Công Thương, Truyền hình Công Thương, Tạp chí Công Thương, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại đã thực hiện tốt nhiệm vụ là tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Bộ trên các lĩnh vực Bộ quản lý.

Những giải pháp nào đã được Bộ Công Thương triển khai để cung cấp thông tin cho báo chí, tạo sự đồng thuận cho dư luận xã hội ở những lĩnh vực được quan tâm, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thời gian qua, việc chủ động cung cấp thông tin tuyên truyền luôn được Bộ Công Thương chú trọng.

Tại các cuộc họp báo của Chính phủ, ngành, Bộ Công Thương, những vấn đề được đưa ra trao đổi đều là vấn đề lớn, cần sự định hướng cho dư luận xã hội. Hầu hết các câu hỏi mà phóng viên đưa ra đều được trả lời trực tiếp trong thời gian họp báo, giúp phóng viên có ngay thông tin ở nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành.

Phóng viên Báo Công Thương đi thực tế tại mỏ than Khe Chàm (Quảng Ninh) 

Bộ Công Thương cũng chủ động cung cấp thông tin cho phóng viên thông qua các kênh thông tin của Bộ và trang facebook Thông tin ngành Công Thương, giúp thông tin được cập nhật kịp thời và sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, việc mở lớp tập huấn về báo chí tuyên truyền cho các cán bộ làm công tác truyền thông của Bộ, ngành, cho các nhà báo, phóng viên chuyên trách đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951- 14/5/2016), Bộ Công Thương đã tổ chức Giải Báo chí 65 năm ngành Công Thương, nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc viết về ngành. Sau hơn hai tháng phát động, giải đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các nhà báo, phóng viên chuyên và không chuyên trên khắp cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được 1.475 tác phẩm dự thi với nhiều thể loại (phản ánh, phóng sự, phỏng vấn…). Lễ trao giải đã được tổ chức trọng thể ngày 11/5/2016.

Mặc dù lần đầu tổ chức nhưng Giải Báo chí 65 năm ngành Công Thương được đánh giá thành công tốt đẹp về mọi mặt. Cụ thể:

Thứ nhất, xét về số lượng, dù là một giải báo chí chuyên ngành, nhưng được sự quan tâm hưởng ứng của các cơ quan báo chí trên cả nước, giải đã nhận được tới 1.475 tác phẩm từ hơn 80 cơ quan báo chí (trong đó gần 50 cơ quan báo chí đơn vị Trung ương, cá nhân và hơn 30 cơ quan báo chí địa phương) trải khắp vùng miền đất nước. Các tác phẩm gửi về dự thi rất đa dạng về thể loại như phản ánh, phóng sự, phỏng vấn…

Thứ hai, xét về chất lượng, theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, các tác phẩm báo chí tham gia giải có nội dung phong phú, phản ánh hầu hết các mặt, các lĩnh vực trọng yếu của ngành Công Thương. Trong đó, các lĩnh vực về điện, than, dầu khí, xăng dầu, xuất nhập khẩu, đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, chống buôn lậu, gian lận thương mại, công tác hội nhập… có nhiều tác phẩm cùng tham gia thể hiện. Do đó, càng có điều kiện để Hội đồng Giám khảo lựa chọn tác phẩm xứng đáng vào vòng chung khảo. Có thể nói, những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo thể hiện rõ nét việc nhà báo đã có sự tác nghiệp nghiêm túc và thực sự “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm, đồng hành với ngành Công Thương của các cơ quan thông tấn, báo chí trong suốt thời gian qua.

Thứ trưởng nhận định như thế nào về vai trò của Báo Công Thương - Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, trong công tác tuyên truyền và những định hướng lớn cho thời gian tới?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thời gian qua, Báo Công Thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền các lĩnh vực của ngành Công Thương. Bằng nhiều bài viết kịp thời, sinh động, đúng chủ trương, Báo Công Thương đã khẳng định thương hiệu, tạo dấu ấn ngày càng đậm nét trong làng báo chí. Những tác phẩm của Báo đã được trao nhiều giải thưởng về báo chí như Giải Báo chí toàn quốc về tiết kiệm năng lượng, Giải Báo chí về ngành Tài chính, Tài nguyên môi trường…

Trong Giải Báo chí 65 ngành Công Thương được tổ chức tháng 5/2016 vừa qua, Báo Công Thương đã đạt 1 giải A, 1 giải B, 2 giải C, 1 giải khuyến khích và Giải Tập thể. Theo như tôi được biết, một số tác phẩm của Báo Công Thương đã lọt vào vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2016… Điều này thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ và phóng viên Báo Công Thương trong việc huy động sức mạnh tổng thể, nỗ lực vì mục tiêu chung là xây dựng thương hiệu của Báo.

Có thể nói, Báo Công Thương đã góp phần quan trọng cùng toàn ngành tận dụng thời cơ, khai thác các cơ hội, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; ngày càng khẳng định vai trò trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, hoạt động của ngành.

Với những kết quả, dấu ấn đậm nét đã đạt được trong thời gian qua, Báo Công Thương cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo tiền đề cho nhiều năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần có sự đầu tư mạnh hơn nữa, sáng tác được nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng để giành nhiều giải thưởng cao hơn. Ngoài ra, tập trung tổ chức tọa đàm, hội thảo về các sự kiện “nóng” của ngành Công Thương. Phát triển theo hướng đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện, từ đó đưa thông tin đến người đọc một cách sâu rộng hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, bằng mọi cách trong khuôn khổ quy định hiện hành phải tiếp tục cải thiện đời sống, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người lao động.

Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, thay mặt đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, tôi xin gửi tới các đồng chí phóng viên, biên tập viên trên toàn quốc nói chung và báo chí ngành Công Thương nói riêng lời chúc mừng nồng nhiệt và tình cảm tốt đẹp nhất. Xin chúc các đồng chí đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp phần mình vào sự nghiệp phát triển ngành Công Thương và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

 

Tin liên quan